1. Bệnh thủy đậu là gì?
Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do một loại virus mang tên Varicella Zoster Virus gây ra và chiếm trên 90% số đối tượng chưa tiêm phòng vaccine có khả năng mắc bệnh. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân và đối tượng trẻ bị thủy đậu chủ yếu là trẻ em dưới 10 tuổi.
Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường không khí, người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc chảy mũi,..., nhất là trẻ em.
Bệnh có thể lây từ nốt phỏng khi bị vỡ ra, từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét của người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.
2. Triệu chứng điển hình của bệnh thủy đậu
Thời kỳ ủ bệnh : Từ 14 - 17 ngày (thường không có triệu chứng lâm sàng).
Thời kỳ khởi phát : Khoảng 1 ngày, có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, trẻ nhỏ thường không chịu chơi, quấy khóc. Có trường hợp sốt cao 39 - 40 độ C, trằn trọc mê sảng co giật, kèm theo viêm họng, viêm xuất tiết đường hô hấp trên.
Thời kỳ toàn phát (thời kỳ mọc ban):
- Thoạt đầu là những ban dát màu đỏ, vài giờ sau thành nốt phỏng nước trong, rất nông như đặt trên mặt da, sau từ 24 đến 48 giờ ngả màu vàng, có hình cầu nổi trên mặt da 2mm. Ban mọc rải rác toàn thân kể cả chân tóc và trong miệng, hầu như không có ở lòng bàn chân, bàn tay.
- Ban mọc 3 - 4 ngày một đợt, vì vậy trên một vùng da có thể thấy nốt ban ở các độ tuổi khác nhau.
- Sau từ 4 - 6 ngày, nốt thuỷ đậu tự khô, đóng vảy màu nâu sẫm và bong ra sau một tuần, không để lại sẹo vĩnh viễn, trừ khi có loét và bội nhiễm.
- Biến chứng: Bệnh thủy đậu có thể gây nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu, viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng xương, khớp,..., nếu không được chữa trị kịp thời.
3. Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị thủy đậu
Bệnh thủy đậu có thể tự khỏi nếu được chăm sóc tốt. Dưới đây là hướng dẫn chăm sóc trẻ bị thủy đậu ba mẹ cần ghi nhớ:
- Cách ly trẻ
Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, rất dễ lây lan qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp nên ba mẹ cần cách ly trẻ nếu bé bị thủy đậu để tránh lây lan cho người khác. Nên cho bé nằm ở phòng thoáng khí, có ánh sáng mặt trời. Nên cách ly bé khoảng 7 – 10 ngày từ thời điểm bệnh bắt đầu nổi các nốt phát ban cho đến khi các nốt đã bong vảy khô hoàn toàn.
Nếu ba mẹ hoặc bất kỳ ai tiếp xúc với trẻ trong khoảng thời gian này đều phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc với bé cần rửa tay sạch với xà phòng sát khuẩn để tránh lây nhiễm. Trong thời gian cách ly, cho trẻ dùng riêng đồ dùng, không dùng chung với người khác.
- Vệ sinh cá nhân cho bé sạch sẽ
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng khi bé bị thủy đậu thì cần kiêng gió, kiêng nước tuyệt đối. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Khi bé bị thủy đậu ba mẹ càng phải vệ sinh sạch sẽ cho bé, tắm rửa hằng ngày bằng nước ấm để làm sạch bụi bẩn, tránh nhiễm trùng.
Khi tắm cho bé, ba mẹ tắm nhẹ nhàng để tránh làm vỡ, trầy xước các nốt mụn. Tắm xong, ba mẹ dùng khăn mềm lau khô cho bé trước khi mặc quần áo. Ngoài ra, nên mặc quần áo mỏng nhẹ, thoáng mát cho con để tránh cọ xát vào vùng da đang bị tổn thương của bé.
Bên cạnh việc tắm rửa hằng ngày, ba mẹ nên giữ tay bé thật sạch. Cắt móng tay cho bé để hạn chế việc con cào, gãi gây vỡ nốt mụn. Ngoài ra, nên vệ sinh mũi họng cho bé bằng nước muối sinh lý hằng ngày.
- Hạ sốt nếu sốt cao
Nhiều trẻ bị thủy đậu có biểu hiện sốt. Nếu bé sốt nhẹ, ba mẹ hãy hạ sốt cho con bằng khăn mát, mặc quần áo thoáng mát, ăn nhiều đồ mát… Trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, hãy cho con uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu các nốt thủy đậu có mủ, sưng tấy vùng da xung quanh thì nên cho trẻ đi khám.
Nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị thủy đậu nặng, có các biểu hiện bất thường như mệt mỏi, lừ đừ, co giật, hôn mê hoặc xuất huyết trên các nốt rạ thì phải cho bé đến bệnh viện ngay để đề phòng biến chứng nguy hiểm.
- Bổ sung đủ dinh dưỡng
Khi bị thủy đậu, sức đề kháng của trẻ giảm sút nên cần được chăm sóc chu đáo về mặt dinh dưỡng để con nhanh hồi phục và tăng cường đề kháng chống lại virus gây bệnh.
Khi trẻ bị bệnh, ba mẹ nên cho bé ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây. Các bữa ăn phải đảm bảo cung cấp đủ những thành phần dinh dưỡng quan trọng như chất đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất để giúp tăng cường sức khỏe cho con nhanh chóng khỏi bệnh.
- Những thực phẩm trẻ cần kiêng
Ngoài việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, có một số thực phẩm ba mẹ nên kiêng cho bé khi bị thủy đậu vì những thực phẩm này có thể khiến bệnh thêm nặng hơn. Chúng gồm:
- Thức ăn cay nóng, các gia vị như gừng, tỏi, ớt, quế…
- Đồ ăn nhiều dầu mỡ.
- Một số loại thịt: thịt chó, thịt gà, thịt dê, hải sản dễ gây dị ứng.
- Một số loại trái cây có tính nóng như vải, nhãn, mận, đào.
4. Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị thủy đậu
Để việc chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà an toàn, đúng cách, giúp bệnh nhanh thuyên giảm, ba mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tránh làm vỡ các nốt mụn vì có thể gây bội nhiễm và tạo thành sẹo.
- Không sử dụng lá cây để tắm hay đắp lên nốt mụn theo kinh nghiệm dân gian.
- Không tự ý sử dụng thuốc bôi hoặc thuốc uống cho trẻ khi không có chỉ định của bác sĩ.
- Bệnh thủy đậu tuy là bệnh lành tính, có thể tự khỏi nhưng lại gây ngứa ngáy, khó chịu cho bé nên ba mẹ cần phòng tránh bệnh ngay từ đầu. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc xin ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ.
- Hiện nay, có vắc xin phòng thủy đậu cho bé từ rất sớm, đủ 9 tháng tuổi là con có thể tiêm nên ba mẹ hãy cho bé tiêm phòng sớm để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh sau đó. Tại Việt Nam, có một số loại vắc xin ngừa thủy đậu được lưu hành như: Varivax của Mỹ, Varicella của Hàn Quốc, Varilrix của Bỉ. Liều tiêm và phác đồ tiêm ba mẹ có thể tham khảo thêm tại đây.
- Bên cạnh việc tiêm chủng, ba mẹ nên cho bé tránh xa những người đang mắc bệnh, không cho trẻ đến nơi tập trung đông người khi đang xảy ra dịch thủy đậu… Vệ sinh cá nhân, tay chân bé thường xuyên. Đồng thời, ba mẹ hãy vệ sinh phòng ngủ, đồ chơi, đồ dùng của bé để tránh nguy cơ nhiễm virus gây bệnh.
5. Cách phòng ngừa bệnh thủy đậu ở trẻ
Bệnh thủy đậu tuy là bệnh lành tính, có thể tự khỏi nhưng lại gây ngứa ngáy, khó chịu cho bé nên ba mẹ cần phòng tránh bệnh ngay từ đầu. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc xin ngừa bệnh thủy đậu cho trẻ.
Hiện nay, có vắc xin phòng thủy đậu cho bé từ rất sớm, đủ 9 tháng tuổi là con có thể tiêm nên ba mẹ hãy cho bé tiêm phòng sớm để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh sau đó. Tại Việt Nam, có một số loại vắc xin ngừa thủy đậu được lưu hành như: Varivax của Mỹ, Varicella của Hàn Quốc, Varilrix của Bỉ. Liều tiêm và phác đồ tiêm ba mẹ có thể tham khảo thêm tại đây.
Bên cạnh việc tiêm chủng, ba mẹ nên cho bé tránh xa những người đang mắc bệnh, không cho trẻ đến nơi tập trung đông người khi đang xảy ra dịch thủy đậu… Vệ sinh cá nhân, tay chân bé thường xuyên. Đồng thời, ba mẹ hãy vệ sinh phòng ngủ, đồ chơi, đồ dùng của bé để tránh nguy cơ nhiễm virus gây bệnh.
Nguồn: Sưu tầm