TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS TRONG THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG HIV/AISD
Hiện nay HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe con người và tương lai nòi giống của các quốc gia, các dân tộc trên toàn cầu. Nó tác động rất xấu đến sự phát triển về kinh tế, văn hóa, an ninh trật tự và an toàn xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia trên thế giới. Đáng lo ngại hơn là HIV/AIDS đang lan tràn mạnh mẽ ở khắp nơi trên thế giới. Ở Việt Nam chúng ta cũng chịu chung cảnh ngộ.
Trước sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS. Tháng 8 năm 1987 hai viên chức của Tổ chức Y tế Thế giới là Bunn và Netter đã nêu ý kiến và năm 1988 Tổ chức Y tế thế giới chính thức lấy ngày 01/12 hàng năm là “Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS”.
HIV là chữ viết tắt của tên loại vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người. Đến nay chưa có thuốc điều trị cũng như chưa có vacxin phòng ngừa loại virut này. Những người nhiễm virut HIV sẽ phát triển thành mắc bệnh AIDS là giai đoạn cuối. Hệ miễn dịch của con người không còn khả năng chống lại những vi khuẩn, virut gây bệnh, ngay cả những bệnh thông thường như sốt, ho, những vết chày xước trên da không lành được, làm bệnh kéo dài, tốn kém nhiều kinh phí chữa trị và gây đến cái chết rất thương tâm. Bên cạnh đó HIV/AIDS cũng gây những tổn thương tâm lý rất nặng nề, tàn phá hạnh phúc gia đình, gây mâu thuẫn nặng nề và bị sự xa lánh của những người xung quanh đối với người mắc phải. Trong những giai đoạn đầu, những người nhiễm HIV không có biểu hiện bệnh, nên bản thân và mọi người xung quanh không thể biết để đề phòng. Để phòng chống HIV/AIDS, biện pháp duy nhất ngày nay là tuyên truyền để mọi người trong chúng ta biết về căn bệnh thế kỷ này và cùng nhau ngăn chặn sự lây lan của loại virut nguy hiểm này.
Căn bệnh HIV/AIDS có 4 giai đoạn
1. Giai đoạn sơ nhiễm (còn gọi là thời kỳ cửa sổ) thời gian kéo dài từ 2 đến 6 tháng, cơ thể hoàn toàn bình thường. Xét nghiệm HIV cho kết quả âm tính, có đủ khả năng lây bệnh cho người khác.
2. Giai đoạn nhiễm HIV không triệu chứng: Thời gian từ 5 đến 7 năm cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường, không biểu hiện bệnh, nên mọi người xung quanh không biết. Xét nghiệm dương tính, mật độ virut cao. Sẽ lây nhiễm cho người khác nếu không biết và đề phòng
3. Giai đoạn cận AIDS: Vẫn không có nhiều biểu hiện đặc trưng, xét nghiệm dương tính, mật độ virut rất cao. Sẽ lây nhiễm cho người khác nếu không biết và không đề phòng.
4. Giai đoạn AIDS (đây là giai đoạn cuối của người nhiễm HIV/AIDS): có nhiều biểu hiện bệnh như: Sút cân, gầy yếu, mắc các bệnh thông thường như: Sốt, ho, tiêu chảy kéo dài, những vết xước trên da không lành dẫn đến lở loét … hiệu lực của các thuốc điều trị rất thấp. Xuất hiện nhiều bệnh như: ưng thư, viêm phổi, lao, viêm da, lở loét toàn thân... và dẫn đến cái chết rất thương tâm.
Virut HIV có ba con đường lây truyền chính:
1. Lây nhiễm qua đường tình dục
2. Lây nhiễm qua đường máu
3. Lây truyền từ mẹ sang con
Cách phòng chống lây nhiễm HIV:
Các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm là nguyên nhân chính của đại dịch HIV/AIDS đã và đang làm băng hoại các giá trị đạo đức truyền thống. Chúng xâm nhập vào học đường vào những đối tượng thanh thiếu niên thiếu bản lĩnh và thiếu kiến thức tự bảo vệ, những học sinh đua đòi, ăn chơi chạy theo lối sống buông thả, thiếu trách nhiệm là nguồn lây nhiễm HIV chính cho xã hội.
Người nhiễm HIV có 3 giai đoạn không có biểu hiện triệu chứng hoặc biểu hiện triệu chứng không rõ, nên bản thân và những người có các quan hệ thông thường không biết. Nếu không có biện pháp phòng chống đúng cách thì nguy cơ bị lây nhiễm rất cao khi quan hệ với người đã nhiễm HIV. Sau đây là các cách phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.
1. Phòng chống lây nhiễm HIV qua đường tình dục
- Sống có trách nhiệm với bản thân, với tương lai. Không quan hệ tình dục bừa bãi, quan hệ tình dục không an toàn. Sử dụng bao cao su đúng cách
- Khi có gia đình riêng thì sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng. Không quan hệ tình dục với người ngoài là biện pháp rất hiệu quả để bảo vệ hạnh phúc gia đình và phòng chống lây nhiễm HIV
2. Phòng chống lây nhiễm HIV qua đường máu
Những người nhiễm HIV/AIDS thì trong máu đã có virut HIV khi có tiếp xúc máu của mình với máu của người bị nhiễm thì sẽ bị lây nhiễm HIV. Để tránh chúng ta cần chú ý
- Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng, Không dùng chung bơm kim tiêm với người khác, không tiêm chích ma túy.
- Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.
- Không nên xăm, xỏ lỗ. Khi xăm, trổ, xỏ lỗ phải dùng các dụng cụ đã được tiệt trùng đúng cách. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, châm cứu…
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV. Dùng riêng đồ dùng cá nhân như dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay,…
3. Phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con
Người phụ nữ đã bị nhiễm HIV thì không nên có thai vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%, nếu đã có thai thì không nên sinh con.
- Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.
- Sau khi sinh nên cho trẻ dùng sữa bò hay sữa công thức thay thế sữa mẹ.
Trên đây là bài tuyên truyền về phòng chống đại dịch HIV/AIDS nhân ngày toàn thế giới phòng chống HIV/AIDS 01/12/2022 của trường Mầm non Tam Kỳ.
Xin trân trọng cảm ơn!